6 thg 10, 2011

Mỗi bà mẹ là một miền kỳ lạ

 Tôi và mẹ thường hay đối lập nhau.
 Ví như  mẹ ngăn nắp còn tôi bừa bãi. Mẹ  can đảm còn tôi hay sợ hãi. Mẹ  lý trí trong khi tôi thiên về cảm tính. Mẹ điềm tĩnh hơn khi tôi hay bốc đồng (dù rằng những năm gần đây tôi thấy mẹ cũng dần hơi thái quá trong vài việc, có lẽ là vì  ảnh hưởng của bố ).  Mẹ tiết kiệm còn tôi phung phí, mẹ nhanh nhẹn tôi thì chậm chạp, mẹ rành mạch còn tôi quá nhập nhằng , mẹ tinh tế còn tôi quá tạp nham…..Nếu cứ dùng những cặp từ đối nghĩa để miêu tả mẹ con tôi thì mẹ sẽ luôn được ưu ái những  điều tốt đẹp hơn. Có lúc tôi nghĩ là do mẹ con tôi xung khắc tuổi. Nhưng tôi cũng chưa thấy tài liệu nào nói thân khắc sửu. Hoặc cũng có thể do tôi quá giống bố mà bố thì trái ngược hẳn với mẹ, như một cặp bù trừ, ngược dấu thì hút theo quy tắc nam châm. Dẫu sao, tôi vẫn là con mẹ, và nếu tìm  đâu đó chúng tôi vẫn có những điểm chung, mà phần lớn là do tôi nhiễm từ mẹ. Một trong số đó có lẽ là việc ưa sử dụng ngôn ngữ và lý lẽ được hình thành trong những cuộc tranh luận (mang tính chất cãi vã) của cả hai :) .
         Là một nhà sư phạm mẫu mực và có yêu cầu cao với sinh viên nhưng mẹ gần như hiếm khi bắt tôi phải học. Tuổi thơ của tôi là một chuỗi ngày rong chơi đủ mọi nơi, luôn khiến mẹ phải khản cổ gọi, điện thoại tới nhà Cương để tìm tôi hay qua nhà hàng xóm ẵm tôi về khi đã tôi đã ngủ chèo queo trên giường họ. Dù mẹ cũng bắt đầu hạn chế thời gian chơi của tôi vào năm lớp 12 nhưng tôi vẫn ít khi phải nghe những lời tra khảo học tới đâu, học xong chưa mà chơi, sao lại bị điểm kém,….. của mẹ. Để tôi học theo cách mà tôi muốn và để tôi tự nhận thức việc tôi cần làm cho cuộc sống của tôi, đó là cách mẹ nuôi dạy 2 đứa con . Và vì thế nếu tôi đạt được điều gì, đó sẽ là trách nhiệm hoặc quyền lợi của tôi. Học sinh giỏi- đó là trách nhiệm, đạt cái này cái kia-là bổn phận, chẳng có gì phải thưởng, với tôi mẹ sẽ luôn nói như vậy. Nhưng tôi biết khi gặp ai mẹ sẽ nói về con mẹ với 1 đôi mắt lấp lánh, tìm kiếm những điều dù là nhỏ nhặt để khoe ra. Ông bố bà mẹ nào cũng vậy, đối với họ những gì con cái đã làm được luôn là ánh hào quang lấp lánh nhất.  Một diễn giả đã nói với chúng tôi rằng đừng ngăn cản bố mẹ khen mình trước mặt người khác, đừng tước mất niềm sung sướng được tự hào về thành quả nuôi dạy của họ, hãy chỉ cảm ơn và cố gắng nhiều hơn. Tiếc là tôi chẳng có gì cho mẹ để mà khoe ;).
           Nhật ký vài năm tuổi thơ của tôi gắn liền với bố. Bố đút cho tôi ăn, bố dẫn tôi đi chơi, bố tắm cho tôi, ….. Sau này tôi mới biết khoảng thời gian đó mẹ đang bận học thạc sĩ nên không ở cạnh tôi nhiều như đã ở cạnh anh hai. Dù vậy những kí ức ngọt ngào nhất với tôi đều có hình bóng mẹ. Là lúc mẹ gọi tôi về ăn cháo để có sức đi chơi tiếp =)), là hột vịt lộn mẹ ủ ẩm trong cái chăn bông dày sụ những mùa đông gió lạnh, là đàn lợn ủn ỉn bằng bột đậu mẹ dành cho tôi tối trung thu, và là một điều mà bây giờ nhớ lại tôi mới nhận ra mình đã được chăm chút ưu ái tới chừng nào, đó là những món quà giáng sinh.  Nhiều lúc tôi đã tự hỏi sao mình lại cuồng noel đến thế, giờ mới thấy chắc điều đó được khởi nguồn từ tình yêu của mẹ. Dù chẳng hề theo tôn giáo nào, dù bận tối mắt tối mũi, nhưng vào mỗi dịp giáng sinh, khi tôi được các chị sinh viên dẫn đi chơi về, thế nào cũng sẽ có một món quà giành cho tôi. “Ông già noel đến và tặng cho con vì năm nay con ngoan”. Lúc đó tôi không nghĩ ông già noel của tôi là mẹ.
           Có một thời gian tôi đã nổi điên và tức anh ách một đứa bạn vì cái câu phát ngôn của nó “nhà mày giàu mà, lo gì”. Nhưng khi nghe tôi kể lại, mẹ vẫn tỉnh bơ ” ủa thì nhà mình đâu có nghèo. Kệ người ta đi”. Có lẽ là vậy thật, có lẽ là chả cần tức tối như thế . Nhưng mỗi khi nhớ lại tôi vẫn bực. Vì nếu nhà tôi có trở nên khấm khá hơn thật, thì tất cả đều được đánh đổi bằng sức khỏe của mẹ. Là những năm tháng mẹ phải vừa chăm lo cho hai đứa tôi, vừa lo việc trên trường lại phải dạy thêm tối mắt tối mũi để trợ giúp  cho bố nghiên cứu sinh ngoài hà nội. Là những bữa cơm vội vã luôn lệch giờ ăn thật, là những chiếc bánh mì nhai cho qua bữa, là những tối mẹ chẳng biết gửi tôi ở đâu để tới lớp dạy thêm. Là cái khao khát được học lên như bạn bè đành gác lại để nhường cho bố, để giành thời gian cho chúng tôi. Là những bịch máu mẹ đã truyền khi lâm bệnh vì quá sức…. Là những thứ như thế, nên  dù có khấm khá hơn thì có gì là không đúng ở đây. Và vì những thứ như thế tôi lại càng không thể cho phép mình có ý nghĩ tôi có thể mua bất cứ cái gì tôi muốn. Dù nhiều lúc tôi hơi bực bội với sự tiết kiệm quá cẩn thận của mẹ nhưng tôi biết điều đó bắt nguồn từ đâu.
           Học trò của bố mẹ thường hay nhận xét “thầy hiền còn cô nghiêm quá, em sợ”. Đám bạn tôi cũng hay sợ mẹ. Nhiều lúc tôi chả hiểu tại sao, trong khi ở nhà tôi sợ bố như cọp. Nhưng nếu sự sợ hãi tôi dành cho bố là bình thường thì đối với mẹ có lẽ là “kính sợ”. Mẹ có thể khiến tôi “tâm phục khẩu không phục” :))  và nhiều lúc vẫn thường cự lại. Còn với bố thì do cha con tôi quá giống nhau nên những thứ bố la tôi tôi biết chắc ông cũng mắc phải. ;)). Đàn bà hay dùng lời nói còn đàn ông hay dùng vũ lực. Tần suất lời nói của mẹ tăng dần theo số tuổi ;) nhưng mẹ luôn nhất quán ở việc không bao giờ làm tổn hại đến thân thể của tôi. Ngay cả một lần khi mẹ bực tôi phát điên lên được và tay mẹ giơ cao hết cỡ, cuối cùng mẹ đã hạ tay xuống, để đôi mắt của tôi thôi không sợ hãi nữa. Dù lúc ấy tôi còn rất nhỏ, chưa khi nào tôi quên chi tiết ấy, khi mẹ đã kiềm chế để không cho tôi những tổn thương. Dù sau đó mẹ vẫn sắm cái roi mây để dọa tôi vài lần nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ dùng đến với tôi, ngay cả khi tôi lỡ tay đốt cháy nửa gian bếp của mẹ. Học sinh sợ mẹ chỉ vì những yêu cầu học tập với một thái độ nghiêm túc, và bộ môn khô khan khó gặm. Nhưng  có khó mới cần nghiêm, và kết quả của sinh viên mới tốt. Tôi biết mẹ đến với môn văn vì ép buộc, nhưng không vì thế mà mẹ không yêu nghề, mà ngược lại mẹ là một giảng viên khiến cho nhiều lớp sinh viên kính yêu và nể phục. Tôi có thể chắc điều đó khi được đọc rất nhiều thư , thiệp cảm ơn của rất rất nhiều những thế hệ học sinh đã ra trường hàng chục năm trời, thậm chí cả những người chỉ là học sinh theo học lớp luyện thi ở  trung tâm; được tiếp xúc và thân thiết với nhiều “người đi đò” của mẹ ngay từ khi mới lọt lòng.
            Tôi càng lớn thì mẹ lại càng già đi. Đó là một tất yếu đau lòng. Và mẹ cũng càng khó tính khủng khiếp hơn, như một lệ chung của những người phụ nữ bước sang tuổi 50. Dù mẹ đã luôn cố gắng theo kịp với những sự thay đổi, đôi lúc mẹ vẫn tự nhận mình là lạc hậu. Sự cách biệt về thế hệ là một thứ rất khó để xóa nhòa. Đã có một thời gian  tôi sợ không thể nói chuyện với mẹ được, nhưng sau 1 năm học đh tôi lại trở về với vòng tay mẹ như xưa, nhưng thật sự tôi vẫn có những điều không thể hỏi ý kiến mẹ. Mẹ vẫn có thể tiếp nhận những tư tưởng, những tác phẩm của giới trẻ, vẫn khen ý tưởng clip “bad romance” của lady gaga, vẫn thích một vài sự nổi loạn về phong cách, vẫn biết về BOA yêu dấu của tôi, nhưng vẫn không chấp nhận lắm cái ý tưởng về bạn thân khác giới hay manga và việc tôi nói chuyện điện thoại quá 3 phút với bạn bè….. Vì vậy tôi vẫn chưa thể khoe với mẹ về mấy thằng bạn đáng tự hào của tôi, vẫn phải luôn miệng nhắc “mẹ đừng bán đống truyện của con đi nhan”, vẫn phải lén lút chui vô chỗ nào đó thì thào với mấy đứa….. Mẹ cũng hạn chế tôi đọc một số tác phẩm mà theo mẹ là chưa phù hợp cho tôi. Và sau khi lén lút tu luyện xong “Cõi người rung chuông tận thế” thì tôi đồng ý với mẹ về điểm này và trung thành với những gì mẹ giới thiệu. Tuy vậy đôi lúc khi mua một vài quyển sách nào đó, tôi vẫn nghĩ là tôi cần phải giấu. :D. Tôi không thể đòi hỏi mẹ phải như lớp trẻ tụi tôi, cần phải có những người như mẹ để bảo tồn và truyền lại những giá trị xưa cũ. Và những gì mẹ đã cố để vẫn phù hợp với thời đại, tôi đủ thấy hài lòng.
            Trước giờ thường người tôi lo lắng nhất vẫn là anh hai. Nhưng gần đây tôi bắt đầu không an tâm về mẹ. Tôi không còn có thể an tâm khi mẹ nói mẹ ổn. Cơ thể mẹ đã quá rệu rã và xuống sức. Hầu như luôn phải có sự trợ giúp cùa thuốc. Nhưng dù tôi có nhắn bao nhiêu tin rằng mẹ đừng ôm nhiều việc quá, có nói bao nhiêu lần mẹ dạy ít ít đi, thì mẹ vẫn sẽ cố gắng từng tí một nếu mẹ còn có thể, để có thể dành dụm thêm được bao nhiêu hay bấy nhiêu cho chúng tôi. Mẹ là một người cực kì tiết kiệm nhưng đối với 2 đứa con mình tôi vẫn thấy nhiều lúc mẹ vung tay quá , dù vẫn dạy chúng tôi tiết kiệm. Như hiện giờ tôi không thoải mái cho lắm khi mẹ định bỏ ra một khoản lớn cho tôi có một chuyến đi. Tôi chẳng biết đến khi nào mẹ có thể sống vì mẹ. Nhưng ngày nào còn sống thì chắc chắn mẹ sẽ dành một sự quan tâm, một sự lo lắng, một tình yêu lớn nhất cho con trai và con gái của mẹ, bởi theo một cách nói kiêu căng đầy tự hào, chúng tôi có lẽ là lẽ sống của đời mẹ.
           Nếu kể mãi tôi sẽ kể không bao giờ hết. Có đứa con nào có thể kể hết về mẹ mình? Và để kết thúc, tôi mạn phép trích lại một phần nhỏ trong một bài viết từ rất lâu rồi trên báo HHT (cái thời nó còn mộc mạc chưa mang nặng tính thị trường ) : “Thực ra mỗi bà mẹ là một miền kỳ lạ. Đất đai có thể khô cằn, thiên nhiên khắc nghiệt, khí hậu thất thường, nhưng chúng ta vẫn yêu bằng một tình yêu không thể lý giải được chỉ bởi một bình minh trong lành và yên tĩnh. Bởi vì từ chính họ, chúng ta được sinh ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét