13 thg 11, 2010

Hẫng [Hirota]

                                                                           HẪNG

“Đã bao giờ em bóc lịch
thấy qua vô nghĩa một ngày
rồi em ghi vào nhật kí
… ngày mai như ngày hôm nay…”

Tôi ngồi thừ trước màn hình máy vi tính.
Hai bàn tay tôi gõ gõ vài dòng chữ nào đấy, rồi lại xoá. Vài phút sau gõ, rồi lại xoá. Những dòng chữ được mã hoá từ những con số 0 và 1 cứ hiện ra dần theo nhịp gõ rồi lại bị nuốt mất từng chữ từng chữ theo lệnh delete của tôi. Tôi không thích dùng Ctrl A và nhấn nút một cái, toàn bộ văn bản biến đi trong nháy mắt. Như thế chẳng hay chút nào. Tôi muốn nhấm nháp cái cảm giác mục ruỗng từ từ trước mắt mình cơ. Dù chúng có là 0 và 1 hay cái gì chăng nữa.
Tôi tắt cửa sổ Word, Internet, tắt cả mấy tấm hình được design để tạo cảm hứng viết lách, rồi shut down máy. Đã 2 tiếng đồng hồ trôi qua mà tôi chẳng viết được cái gì cho ra hồn. Cứ viết rồi xoá, xoá rồi viết như một kẻ tâm thần. Dẹp đi là tốt nhất.


Tôi lấy sách vở cho buổi học chiều, một tờ báo và sổ danh bạ, nhét tất cả vào chiếc cặp đen cũ mèm của mình. Sau đó đi tắm theo một cách hoang phí nhất - dội nước cật lực vào người - chuyện mà tôi luôn là kẻ phản đối đầu tiên. Nhưng đó là thường ngày, còn hôm nay, tôi tự cho phép mình làm tất cả những gì ngược ngạo nhất. Bỏ cặp vào giỏ xe, tôi dắt chiếc xe đạp cà tàng ra khỏi nhà.
x

Không biết có một người trẻ nào chưa từng biết đến gap-time của đời mình không nhỉ? Ừm. Đó là một thời gian mà bạn bỗng nhiên bị hẫng giữa guồng quay của mình, lơ ngơ, điên cuồng, lẩn thẩn, bấn loạn, thầm lặng, hay ồn ào… tất cả đều có hết, nôm na mà nói thì là dở hơi. Ngắn hay dài, nhẹ hay nặng, nhiều hay ít, vào lúc rảnh hay lúc bận, vì cái này hay cái kia…, hỏi Chúa để biết thêm chi tiết. Tôi chỉ cảm thấy là đùng một cái, tôi rơi. Mà không biết đáy. Rơi đủ nhanh để cảm thấy sợ hãi và đủ chậm để hoang mang. A lê hấp, tôi biến thành một kẻ ngoài hành tinh giữa lòng thành phố. Ai hỏi lí do tôi cũng chẳng biết trả lời sao cho đúng.

Thế đấy.

Việc học, ổn, trên 8 phẩy. Việc Đoàn, tốt, mới lên Phó Bí thư. Câu lạc bộ tiếng Anh, suôn sẻ. Việc làm, ok, cộng tác viên cho hai toà soạn. Bạn bè, chẳng thể tốt hơn. Gia đình, không tệ.
Mọi việc đều ổn.
Bạn đang nghĩ tôi sẽ nói câu đó phải không? Quên đi. Nếu nói chính xác về cuộc sống của ai đó chỉ trong vài từ chung chung như vậy, thì tôi cam đoan con mèo cũng có thể tự sơn móng chân cho nó.

“Bạn có một tin nhắn”. Một tiếng bíp gọn lỏn vang lên. Đó là tiếng chuông báo tin nhắn ưa thích nhất của tôi, chẳng làm phiền ai cả.
- “Khỉ già, mai rảnh không?”
Tin nhắn của thằng bạn thân.
- “Không.”
Rồi tắt nguồn. Không phải tôi khó chịu hay đoạn tuyệt với những mối quan hệ xung quanh. Dù tôi có điên thì cũng chẳng ngu đến nỗi tự cắt đứt những sợi dây quan trọng trong cuộc sống của mình chỉ vì một giai đoạn dở hơi nào đó. Chỉ là tôi đang muốn được yên thân.
x

Tôi lững thững đi trong sở thú vào gần trưa, tay phe phẩy một cọng dương xỉ héo queo héo quắt ai đó đã ngắt rồi vứt lại giữa đường. Đến chỗ chuồng khỉ, tôi dừng lại, nhìn chăm chú. Nhìn để phân tích coi trừ cái tính cà tưng ra thì cái mặt mình có giống chúng nó không mà sao cứ bị gọi là “khỉ già”. Nhìn hoài vẫn chẳng tìm ra được kết luận gì khác ngoài việc mặt tôi rõ là tiến hoá hơn tụi nó nhiều. Thấy tôi nhìn chằm chằm như thế, có một con gườm gườm ngó lại, còn mấy con kia vẫn thờ ơ quanh quẩn qua lại trong chuồng. Tự nhiên tôi phùng mang trợn mắt rồi le lưỡi trêu chúng nó, tay ngoáy ngoáy cọng dương xỉ. Con khỉ ấy cũng bắt chước y như tôi. Những con khác thấy vậy hú hét om sòm vẻ phấn khích lắm, trèo qua trèo lại mấy cành cây. Tôi nhe răng cười với tụi nó rồi vẫy tay chào tạm biệt. Có vài người khách nhìn tôi như quái vật, nhưng điều đó chỉ càng làm tôi khoái chí, bởi thật sự hiện giờ tôi có là người bình thường đâu.
“Không bình thường”, sẽ có hai loại: “phi thường” và “bất thường”. Nhiều người - đặc biệt là ở trên trường – nghĩ tôi ở loại một. Vừa lớp trưởng vừa Phó bí thư Đoàn trường, vừa chủ nhiệm câu lạc bộ, vừa đi làm thêm, vừa học sinh giỏi. Còn đối với số còn lại, bạn thân hoặc gia đình, nghĩ tôi ở loại hai - bất thường. Đang đi bỗng nhiên xoay người lại và bành bạch nhảy ngang như cua, rống lên bài hát nào đó, hoặc trong lớp, thầy đang giảng tới hạt quark thì tôi gào lên “Quác!” chẳng hạn. Còn bây giờ thì được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ lũ khỉ nhưng mặt lại lạnh tanh.

Tôi ngồi xuống một chiếc ghế đá và thừ người ra suy nghĩ. Cả tháng nay không học hành được gì, cũng chẳng viết được bài báo nào sất, lên lớp tôi giỡn như điên như khùng nhưng về nhà là lại cục cằn nóng nảy. Có quá nhiều thứ cần sắp xếp và giải quyết, tôi biết, nhưng dường như mọi nhiệt thành và sức lực đều biến đi đâu hết, như hai người bạn quan trọng cùng lúc bỏ rơi tôi giữa những bộn bề. Tôi lao vào tổ chức các hoạt động tập thể, đầy hoa, bong bóng, bánh kẹo, tiếng hát và tiếng cười nhưng sau đó là sự cô độc lớn hơn, không một hơi ấm. Tôi rộn ràng trong cuộc đời rộn ràng nhưng lạc lõng ngay trong cả chính mình.

“Đã bao giờ em hoảng hốt
khi mình bất lực trước mình
và em thấy trong đôi mắt
có gì ứa ra
vô hình.”

Tôi lục cặp lấy ra tờ báo. Có thể tôi đang cần được refresh lại, đầu tiên là tư tưởng cái đã. Nhiều khi cũng cảm thấy mình giống cô Lý Lan, nếu đụng chuyện gì cũng suy nghĩ thì sớm muộn gì cũng điên. Những con chữ vui tươi nhưng hời hợt trượt qua đầu óc, tôi cố gắng đọc cho xong một truyện ngắn hài mà nếu là lúc thường thì tôi đã cười thật to rồi.
x

Thấy tôi mới bước vào lớp, Linh “tinh” đã nhào đến ngay:
- Trưởng ơi trưởng, lại chơi với tụi này đê.
Rồi nó chỉ vô đám con gái tụm ba tụm bảy lúi húi đan đan móc móc.
- Ừ ha, cũng sắp sang mùa đông rồi còn gì. – Tôi lẩm bẩm, đủ để Linh nghe thấy.
Thế là tôi gia nhập nhóm đan len, tuy chẳng có ai để đan tặng nhưng dù sao tôi cũng đang cần có thứ gì đó lấp bớt khoảng trống. Thử công việc tương đối lãng mạn này một lần cũng có chết ai.
- Nhi yêu, chuyện cháu với thằng Hưng lớp Lý sao rồi? – Tôi vừa đan vừa hỏi “cháu nuôi” Nhi “đồng”. Nó nũng nịu:
- Ngoại đừng nhắc tới hắn nữa. Giận rồi.
Tôi chậc lưỡi lắc đầu ngó đứa cháu phụng phịu cái mặt.
- Tụi bây coi ăn ở sao mà một tháng giận nhau cả hăm tám ngày thế này.
Nhi giãy nảy - Ngoại kì quá nha, “ăn ở” gì, nghe ghê quá!
Cả đám ré lên cười rũ rượi.
Tôi thấy Nhi mặc một chiếc áo khoác có nhiều hình hoa hướng dương to rất xinh, nhưng mắt nó hơi thâm quầng, vẻ mệt mỏi. Có lẽ nó đang cố gắng chứng tỏ mình vẫn mạnh mẽ vượt qua những vấn đề trong tình cảm. Vậy đấy. Ai cũng có những khoảng trống của riêng mình.
- Ừ thôi, ngoại đan 12 cái khăn để dành mỗi tháng bây lại làm hoà với nhau.
x
Tôi đạp xe về nhà. Không hiểu sao vừa rời khỏi cổng trường là tôi lại lẩn thẩn như cũ. Bỗng nhiên tôi ước rằng giá như cái cặp vuông vức này biến thành cái balô, còn chiếc xe đạp này biến thành Nàng Francessa - chiếc xe tải thùng màu vàng đỏm dáng trong truyện “Đường còn dài, còn dài…” của chị Thiên Ngân. Tôi sẽ vứt bỏ hết, khoác balô, và lên đường. Nhưng thực tế thì cái cặp vẫn cứ là cái cặp, xe đạp vẫn cứ là xe đạp, còn tôi vẫn là một con bé mười tám tuổi với bao ràng buộc với gia đình, trường lớp. Nói thẳng ra thì tôi không có gan để liều mạng như vậy. Môn Hóa bỗng trở nên khó nhằn một cách đáng sợ, đống công việc ở vị trí Phó Bí thư và giữ uy tín, một tháng chưa có bài báo nào được đăng đồng nghĩa là tháng đó không có tiền trả bill, không khí gia đình ngột ngạt vì chuyện tiền bạc… tất cả đè nặng lên đầu tôi. Vậy mà bây giờ tôi lại mắc cái chứng nghệ sĩ dở hơi từ trên trời rớt xuống này. Bỗng nhiên tôi nghe tiếng bánh xe cạ vào một cái gờ đường nhựa, lảo đảo và nhẹ hẫng.

RẦM!!

Tôi té. Tất cả chỉ diễn ra trong vài giây. Tôi thất thần ôm đầu gối đau rát. Vài người đi bộ quanh đó chạy đến dựng xe lại cho tôi, có người chậc lưỡi càm ràm những kẻ đào đường tắc trách blah blah blah. Tai ù đi, tôi chỉ lắc đầu khi người ta hỏi han và cúi đầu cám ơn, rồi đạp xe đi tiếp. Đầu gối bỏng rát và bắt đầu chảy máu, tôi run rẩy lái xe đi. Cắn răng không cho nước mắt trào ra, tôi vẫn luôn nhớ rằng mình đang đi ngoài đường. Tôi cố đạp xe thật nhanh, vòng qua những con đường nhỏ hẹp, vẫn khổ sở cắn chặt môi, rồi ra một con hẻm vắng tối tăm chỉ leo lét ánh đèn đường cách đó không xa. Tôi vứt xe đó và oà lên khóc.
Chiếc quần và tà áo dài trắng đã lấm lem vệt máu, đầu gối tôi nhức buốt và cơn đau đầu ập đến. Tôi ngồi co ro một mình trên thành bồn hoa ở chân tường. Những kỉ niệm buồn trong quá khứ, những dằn vặt, trăn trở của hiện tại và lo âu cho con đường tương lai, những gì lâu nay tôi cất giấu trong lòng nay lướt qua đầu tôi như một thước phim nhanh. Gia đình, bạn bè, thầy cô, học tập, công việc, sức khoẻ… Nước mắt vẫn trào ra, và tôi nấc lên như một đứa trẻ. Có quá nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống và tôi chỉ là một con cá nhỏ đang mắc cạn trong lòng mình.
Người ta muốn tôi tâm sự khi buồn, nhưng làm sao để nói cho họ hiểu khi mà chính tôi cũng không biết giải thích thế nào về tình trạng của mình? Chiếc điện thoại vẫn nằm im trong cặp. Tôi không gọi cho ai hết. Và lần đầu tiên trong đời, tôi khóc đến gần 30 phút.
x

Đêm ấy tôi về nhà thay đồ, rửa vết thương rồi ngủ ngay lập tức. Mọi sức lực còn lại đều cạn kiệt hết cả. Nhưng có một điều - điều mà tôi chưa bao giờ tin – rằng tôi đã khá hơn. Tôi đã nghĩ rằng cách duy nhất để thoát khỏi mớ bòng bong là cố gắng giải quyết nó. Và thế là tôi lúc nào cũng điên cuồng tìm và gỡ, như những sợi len rối trong một chiếc khăn đan hỏng. Nhưng trong đầu vẫn chưa bình tĩnh và kết quả là chẳng bao giờ có thể tháo gỡ được chúng.
Sáng hôm sau, tôi thấy có một bài báo của mình được đăng, và trên đường về, một em bé không quen biết đã cười và tặng tôi một chiếc bong bóng màu xanh. Chẳng có báo trước, và cũng chẳng vì lí do gì. Mọi việc cứ xảy đến theo cách riêng của nó, tự nhiên.
“Nếu có xin em đừng sợ
thật ra là rất bình thường
tất cả chúng ta đều thế
mỗi khi cần được yêu thương.”*


Một tiếng bíp vang lên. Tin nhắn.
-“Mai tao qua nhà mày kèm Hoá. Đồ hâm, đứa nào cũng biết mày đang có vấn đề mà không nói đó thôi. Lần sau có chuyện gì thì cứ phone, hết tiền thì nhá máy, tao gọi. Giữ mãi trong lòng có ngày chết khô đó. Khỉ già đủ rồi, tụi tao không cần khỉ khô.”
Tôi trợn mắt đọc cái tin nhắn dài ngoằng đó, rồi mỉm cười nhắn lại.
-“Máy tao hết tiền rồi.”
                                                                                             Hirota
* Bài thơ “Lẽ giản đơn” của Nguyễn Thế Hoàng Linh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét